VỊ TRÍ MÔN LỊCH SỬ TRONG CHƯƠNG TRÌNH PHỔ THÔNG
Lượt xem:
GD&TĐ – Chia sẻ những đặc điểm khái quát về nội dung môn Lịch sử, nhóm biên soạn chương trình môn trong Chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) mới đồng thời nêu ra những điểm đáng chú ý về đổi mới phương pháp giáo dục, kiểm tra đánh giá đối với môn học này.
Khái quát nội dung giáo dục môn Lịch sử
Nội dung giáo dục môn Lịch sử được xác định dựa trên các căn cứ chủ yếu: Vị trí, mục tiêu, đặc điểm, tính chất môn học ở cấp THPT. Yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất (bao gồm cả thái độ và kỹ năng) của học sinh thông qua môn học này. Đặc điểm tâm lí lứa tuổi và tâm lí học sư phạm của học sinh từ lớp 10 – 12. Thời lượng được quy định cho môn học này ở mỗi lớp. Kinh nghiệm trong thiết kế chương trình môn Lịch sử ở trong nước và nước ngoài. Điều kiện dạy học ở các vùng miền của nước ta hiện nay, triển vọng cải thiện trong những năm tới. Đặc điểm khách quan của Sử học và yêu cầu của việc ứng dụng tri thức lịch sử trong cuộc sống hiện đại.
Có 3 đặc điểm khái quát về nội dung giáo dục ở môn Lịch sử. Thứ nhất, đó là nội dung giáo dục lịch sử với tính cách là một môn khoa học: Dựa trên thành tựu cập nhật của giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam và thế giới, tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của sử học (trung thực, khách quan, toàn diện, cụ thể), hướng tới hình thành thế giới quan khoa học, tư duy phê phán, thực chứng, biện chứng của người học.
Thứ hai, Lịch sử là môn học dạy làm người, góp phần phát triển các phẩm chất của công dân Việt Nam toàn cầu: Yêu nước, nhân ái, trung thực, khoan dung, dũng cảm, chăm chỉ, cởi mở tiếp nhận cái mới và sống hòa thuận với thế giới xung quanh, trọng danh dự của bản thân và tôn trọng sự khác biệt, yêu hòa bình… Thứ ba, Lịch sử là môn học có định hướng ứng dụng cao theo đúng tinh thần “ôn cố tri tân”, biết học lịch sử để làm gì, có thể ứng dụng tri thức lịch sử vào cuộc sống như thế nào.
Nội dung giáo dục với các mạch kiến thức cốt lõi của môn học được thiết kế như sau:
Nội dung các chủ đề, gồm: Chủ đề định hướng nghề nghiệp (Lịch sử và Sử học; Vai trò của Sử học); Lịch sử thế giới (Một số nền văn minh thế giới thời kỳ cổ – trung đại; Các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử thế giới; Cách mạng tư sản và sự phát triển của chủ nghĩa tư bản; Sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa xã hội; Thế giới trong và sau Chiến tranh lạnh; Quá trình phát triển kinh tế – xã hội của nước Mỹ từ năm 1945 đến nay; Công cuộc cải cách mở cửa ở Trung Quốc từ năm 1978 đến nay); Lịch sử Đông Nam Á (Lịch sử văn minh Đông Nam Á;
Quá trình giành độc lập dân tộc của các quốc gia Đông Nam Á; ASEAN: Những chặng đường lịch sử); Lịch sử Việt Nam (Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước năm 1858); Cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945); Làng xã Việt Nam trong lịch sử; \Một số cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam (trước năm 1858); Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam (từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945); Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ 1986 đến nay; Lịch sử quan hệ đối ngoại Việt Nam; Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam).
Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm học, những học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn được chọn học một số chuyên đề học tập.
Chú ý trong đổi mới phương pháp
Dạy và học lịch sử theo định hướng tiếp cận năng lực được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của khoa học lịch sử: Thông qua các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện lịch sử, phục dựng một cách chân thực, khách quan quá trình hình thành, phát triển của các sự kiện, quá trình lịch sử, đồng thời đặt quá trình phát triển đó trong sự tương tác với các nhân tố liên quan trong suốt quá trình vận động của chúng.
Giáo viên không đặt trọng tâm vào việc truyền đạt kiến thức lịch sử cho học sinh mà chú trọng việc hướng dẫn học sinh nhận diện và khai thác các nguồn sử liệu, từ đó tái hiện quá khứ, nhận thức lịch sử, đưa ra suy luận, đánh giá về bối cảnh, nguồn gốc, sự phát triển của sự kiện, quá trình lịch sử để tìm kiếm sự thật lịch sử một cách khoa học, xây dựng và phát triển những năng lực chuyên môn của môn Lịch sử.
Để thực hiện mục tiêu giáo dục của Chương trình môn Lịch sử, cần coi trọng và phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội ngay từ cấp tiểu học đến các cấp THCS, THPT ở những mức độ và hình thức khác nhau.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng CNTT và truyền thông trong dạy học lịch sử, khuyến khích học sinh tự tìm đọc, thu thập tư liệu lịch sử trên mạng Internet, trong thư viện để thực hiện các nghiên cứu cá nhân hoặc theo nhóm, có khả năng trình bày, thảo luận kết quả nghiên cứu; xây dựng kỹ năng sử dụng các phương tiện CNTT để hỗ trợ cho việc tái hiện, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử.
Dạy học lịch sử theo định hướng phát triển năng lực chú trọng đến vấn đề như: Phát hiện và giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm, coi trọng việc sử dụng các phương tiện trực quan như: Hiện vật lịch sử, tranh ảnh lịch sử, bản đồ, biểu đồ, sa bàn, mô hình, phim tài liệu lịch sử.
Học sinh cần được hướng dẫn phương pháp tự học, biết cách tìm tòi, khai thác các nguồn sử liệu, đồng thời biết cách phân tích sự kiện, quá trình lịch sử và tự mình rút ra những nhận xét, đánh giá, tạo cơ sở phát triển năng lực tự học lịch sử suốt đời và khả năng ứng dụng vào cuộc sống những hiểu biết về lịch sử, văn hoá, xã hội Việt Nam và thế giới.
Mở rộng không gian dạy học, không chỉ trong lớp học mà còn trên thực địa (di tích lịch sử và văn hoá), bảo tàng, khu triển lãm…; tổ chức cho học sinh đi tham quan, dã ngoại, kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động trải nghiệm trên thực tế. Việc kết hợp các thành tựu của khoa học giáo dục hiện đại với việc sử dụng một cách tích cực các phương pháp của sử học là chìa khoá thành công của quá trình dạy học lịch sử.
Sự phối hợp giữa ba môi trường giáo dục (nhà trường, gia đình, xã hội) là nền tảng quan trọng để hình thành năng lực chuyên môn Lịch sử. Trong đó, nhà trường xây dựng và phát triển kiến thức, kỹ năng cho học sinh; gia đình và xã hội tạo điều kiện để học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng lịch sử vào những tình huống thực tiễn của cuộc sống.
Giáo viên là người chủ động thiết lập và duy trì mối liên hệ thường xuyên giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong công tác giáo dục lịch sử thông qua các mô hình phối hợp như: Tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, giáo dục chủ quyền biển đảo cho học sinh có sự tham gia của phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội, tổ chức các hoạt động “Cha mẹ lắng nghe con kể chuyện lịch sử”, “Cha mẹ cùng con khám phá lịch sử đất nước, lịch sử địa phương”…
Đánh giá kết quả giáo dục môn Lịch sử
Việc đánh giá kết quả giáo dục cần được thực hiện trên các phương diện: Các phẩm chất, năng lực chung và các năng lực chuyên môn Lịch sử; đánh giá quá trình, đánh giá cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp, đánh giá cấp quốc gia… Trong đánh giá kết quả học tập, cần căn cứ vào yêu cầu cần đạt được xác định trong chương trình môn học để xác định phương thức, phương pháp và nội dung đánh giá.
Cần chú ý rằng: Đánh giá năng lực và phẩm chất không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức lịch sử làm trung tâm của việc đánh giá. Bên cạnh nội dung lí thuyết, coi trọng việc đánh giá các kỹ năng thực hành (làm việc với các nguồn sử liệu, bản đồ, atlat, biểu đồ, sơ đồ, bảng số liệu, tranh ảnh, quan sát; thu thập, xử lí và hệ thống hoá thông tin, sử dụng các dụng cụ học tập ngoài trời, sử dụng công nghệ và thông tin truyền thông trong học tập…).
Ngoài ra, cần đa dạng hoá các hình thức và phương pháp đánh giá như: Bài thi/bài kiểm tra theo hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan; kiểm tra miệng, quan sát, thực hành, bài tập, các dự án/sản phẩm học tập, nghiên cứu… Về phương thức đánh giá: Bao gồm cả đánh giá định tính, đánh giá định lượng và sự kết hợp định tính với định lượng, trên cơ sở đó tổng hợp việc đánh giá chung năng lực và sự tiến bộ của học sinh.